Chủ đề sự sống từ Mùa Phục Sinh được tiếp tục kéo dài suốt Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh ở Phụng Vụ Chúa Nhật mỗi Chúa Nhật hằng tuần, bao gồm cả Tuần XXXIII Thường Niên Năm B hôm nay.
Thật vậy, sự sống ở đây không phải là sự sống về thể lý, sự sống ở đời này mà là sự sống thần linh bất diệt ở đời sau, sự sống không bao giờ qua đi, cho dù trời đất trong vũ trụ này có qua đi khi tới ngày cùng tháng tận của chúng.
Đó là lý do Bài Đọc Thứ Nhất hôm nay, được trích từ Sách Tiên Tri Đaniên, đã tiên báo về số phận của thành phần được cứu độ, nghĩa là thành phần "có tên được ghi trong sách", thành phần "sẽ được hưởng phúc trường sinh" sau thời gian "an giấc trong bụi đất chỗi dậy", chứ không phải thành phần cũng "chỗi dậy từ trong bụi đất" nhưng "bị tủi nhục muôn đời".
Chưa hết, Bài Đọc 1 còn báo trước về tác dụng của sự sống thần linh nơi thành phần được cứu độ ấy nữa, qua hình ảnh vinh quang rạng ngời của họ như thế này: "Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời".
Tuy nhiên, để được cứu độ, con người cần phải có đức tin và đức tin thì cần được thử thách, nhất là vào giai đoạn cuối thời, những gian nan thử thách vào thời cuối bấy giờ hết sức kinh hoàng khủng khiếp, đến độ, như Bài Đọc 1 tiên báo: "đó sẽ là thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ".
Đúng thế, chính vì "nếu giai đoạn ấy không được rút ngắn lại thì không một con người nào được cứu độ" (Mathêu 24:22), mà trong Bài Đọc 1 hôm nay còn cho thấy một chi tiết then chốt rất quan trọng nữa là: "Khi ấy, tổng lãnh sứ thần Micae sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi".
Chính vì ơn cứu độ là do Thiên Chúa, chứ không phải bởi nguyên "công nghiệp" của con người, hay nói đúng hơn, để được cứu độ, được vĩnh viễn hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa, con người chấp nhận ơn cứu độ bằng niềm tin còn phải biết luôn đáp ứng ơn cứu độ nữa, nghĩa là phải biết sống "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) cho đến cùng: "ai bền vững đến cùng sẽ được cứu độ" (Mathêu 24:12).
Bài Đáp Ca hôm nay đã chất chứa cảm thức đầy xác tín của những ai sống đức tin tuân phục, luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, ở chỗ: "luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt". Và cho dù có bị Ngài thử thách, như Ngài "bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ", họ vẫn "không nao núng", tới độ: "lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn". Nhờ đó, nhờ kiên trì sống theo "đường lối trường sinh" màcuối cùng họ được hoan hưởng "sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!"
Thật vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban cho nhân loại nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài, nơi Đấng Thiên Sai Cứu Thế, vị mà, như Bài Đọc 2 hôm nay cho biết: "khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đấy, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người".
Là Thượng Tế xuất phát từ chính Thiên Chúa chứ không phải chỉ thuần túy là loài người mà Chúa Kitô chỉ cần hiến mình làm hy tế cứu độ một lần là có giá trị vĩnh viễn, có giá trị vô cùng, chứ không như "mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi", được Thánh Phaolô nói đến ở đầu Bài Đọc 1 hôm nay.
Vâng, công ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống có một giá trị vĩnh viễn và vô cùng, bởi Người là Thiên Chúa, là Đấng vô cùng, một ơn cứu độ bởi thế chẳng những cứu được cả thế giới này, mà còn cứu được muôn vàn ức triệu thế giới khác nữa, cho dù mỗi thế giới kéo dài cả trăm ngàn triệu năm, và loài người có phạm vô số tội không thể nào đếm được, và phạm những tội vô cùng khủng khiếp nhất.
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Kitô đã cứu độ nhân loại rồi mà sự dữ vẫn còn tồn tại trên thế giới này, đến độ càng ngày càng gia tăng và kinh hoàng như thể tận thế đến nơi rồi vậy?
Phải chăng là vì ơn cứu độ của Người và ở nơi Người, một ơn cứu độ vĩnh viễn hiệu lực, đã thắng được tất cả mọi quyền lực sự dữ (xem 1Gioan 3:6), đã "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:19), cần phải được hiện thực trên cả thế giới này cũng như nơi từng người, để cho thấy rằng "dù quyền lực hỏa ngục cũng không thể nào phá được" (Mathêu 16:18), "cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người".
Biến cốChúa Kitô tái giáng, theo chiều hướng ấy, là biến cố Người chính thức và công khai tỏ mình ra trước toàn thể muôn dân, chứ không phải chỉ riêng Dân Do Thái như lần đầu Người đến thế gian này, và vì thế Người cũng không phải tỏ ra mình ra như xưa trước mặt dân Do Thái như một tên tử tội bị treo trên thập tự giá không thể nào cứu được mình bằng cách tự mình xuống khỏi thập giá (xem Mathêu 27:42-43), mà là tỏ mình ra như một Đấng toàn thắng hiển vinh và toàn quyền chung thẩm muôn dân.
Trong Bài Phúc Âm hôm nay Thánh ký Marco đã chứng thực điều ấy, chứng thực là Chúa Kitô tái giáng là để tỏ mình ra như một Đấng toàn thắng hiển vinh và toàn quyền chung thẩm muôn dân, khi ngài ghi lại chính lời của Chúa Giêsu báo trước hình ảnh Người đến như một Đấng toàn thắng hiển vinh và toàn quyền chung thẩm muôn dân như thế này:
"Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất".
Những gì được Chúa Kitô báo trước về ngày cùng tháng tận ở Bài Phúc Âm hôm nay, có những chi tiết cần phải lưu ý sau đây:
1- Biến cố Chúa Kitô xuất hiện lần thứ hai chỉ xẩy ra vào thời điểm "sau cảnh khốn cực", như Tiên Tri Đaniên đã tiên báo trong Bài Đọc 1 hôm nay: "thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ". Có thể hiểu là thời điểm thử thách cuối cùng liên quan đến một cuộc khủng hoảng đức tin chưa từng thấy, như chính Chúa Giêsu đã báo trước rằng "không biết khi Con Người đến có còn thấy đức tin trên thế gian này nữa hay chăng" (Mathêu 18:8). Vậy khi xẩy ra dấu chỉ thời đại là càng ngày càng mất đức tin thì biết rằng Chúa Kitô sắp sửa xuất hiện - phải chăng đang ứng nghiệm với giai đoạn lịch sử càng ngày càng quái gở trên thế giới hiện nay?
2- Biến cố Chúa Kitô xuất hiện lần thứ hai, như Bài Phúc Âm hôm nay cho biết, trước khi mở màn còn diễn ra một hiện tượng khác nữa, đó là: "mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển". Ở đây có thể hiểu cả về thể lý của vũ trụ này lẫn tâm linh của con người.
Về thể lý, bởi vì không một cái gì là thụ tạo, dù là mặt trời cùng tinh tú tồn tại hầu như bất tận cũng phải tận, theo bản chất hữu hạn của chúng. Phải chăng chính con người càng văn minh càng gây nguy hiểm cho thiên nhiên tạo vật hiện nay, đến độ đang làm biến động cả trời đất, hết sức nguy hiểm đến số mệnh của chung loài người?
Về tâm linh, bởi vì nếu đức tin được so sánh và đóng vai trò như ánh sáng, nên mới gọi là "ánh sáng đức tin - lumen fidei" (nhan đề của bức Thông Điệp được ĐTC Phanxicô ban hành ngày 29/6/2013), thì hiện tượng tối tăm xẩy ra bởi mặt trời, mặt trăng cùng các tinh tú trên bầu trời đây có thể hiểu về tình trạng khủng hoảng đức tin đang xẩy ra nơi thành phần "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14), ở chung Kitô hữu (như tinh tú trên trời "hầu hết đã ra nguội lạnh" - Mathêu 24:12), nhất là riêng các đấng bậc trong Giáo Hội (sống theo tinh thần thế gian, thậm chí còn lạm dụng tình dục v.v.).
Hai biến cố trên đây là những dấu hiệu rõ nhất báo hiệu Chúa Kitô sắp sửa quang lâm tái giáng. Bởi thế, cho dù Chúa Giêsu, ở cuối bài Phúc Âm đã khẳng định: "Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi", Người vẫn xác nhận một cách dứt khoát và chắc chắn đến độ Người đã quả quyết trong cùng bài Phúc Âm: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi", về hai biến cố trên đây trước khi Người xuất hiện: "khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi".
Thật ra, không phải là Chúa Kitô không biết được chính xác thời điểm tận thế, tức thời điểm "ngày đó hay giờ đó" để Người xuất hiện thì làm sao Người thực hiện được. Nếu vậy thì Người chẳng khác gì như một diễn viên đóng kịch mà chẳng biết lúc nào xuất hiện. Người biết nhưng biết không phải để nói ra, để tiết lộ, mà là để giữ kín. Như trường hợp một người chứa gạo trong nhà, và người khác đến xin gạo, họ nói là không có gạo, không phải là họ nói dối, vì gạo ấy thuộc về một người khác gửi họ giữ chứ không phải của họ để có quyền cho người khác.
Không như các thiên thần là tạo vật không biết về thời điểm tận thế như con người, dù các ngài cũng tham dự vào biến cố cánh chung tận cùng này của loài người, như Sách Khải Huyền cho thấy, Chúa Kitô, với bản tính thần linh của mình, Người cũng biết về ngày giờ Người cần phải xuất hiện, nhưng không phải để tiết lộ ra, mà là giữ kín, nhờ đó loài người mới luôn hướng về Người và trông đợi Người đến, bằng một lòng tin tưởng mãnh liệt, bất chấp mọi gian nan khốn khó dù khủng khiếp như chưa bao giờ xẩy ra, có thế họ mới xứng với ơn cứu độ vô cùng quí báu của Người, và mới đáng hoan hưởng sự sống thần linh vinh phúc vĩnh hằng của Người và với Người:
"Người sẽ xuất hiện lần thứ hai không phải để xóa tội mà là để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đời Người" (Do Thái 9:28).